Update: 28-11-2022 10:02:42 | Tin tức
Trong dịp lễ kỷ niêm 05 năm thành lập Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ, PGS TS Trương Ninh Thuận - Phó Viện trưởng phụ trách Viện đã có bài phát biểu tới tất cả Quý đại biểu và toàn thể sinh viên tham dự.
Kính thưa quý vị đại biểu, các em sinh viên ngành CNHKVT thân mến.
Một lần nữa, thay mặt Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ xin cảm ơn sự hiện diện của các quý vị khách quý ngày hôm nay, chỉ có sự quan tâm đặc biệt sâu sắc đến Viện CNHKVT thì các thầy, các cô, các quý vị đại biểu mới dành thời gian quý báu của mình để đến dự buổi gặp mặt kỷ niệm hôm nay với Viện CNHKVT.
PGS TS Trương Ninh Thuận - Phó Viện trưởng phụ trách viện CNHKVT phát biểu
Chúng ta biết rằng, vì lợi ích trong an ninh quốc phòng cũng như công nghệ phục vụ cuộc sống, hiện nay các nước trên thế giới, các tập đoàn lớn đang tập trung đầu tư phát triển các công nghệ liên quan Hàng không Vũ trụ. Chứng kiến cuộc chiến tranh hiện nay giữa Nga và Ucraina, chúng ta mới thấy được rằng, các phương tiện kỹ thuật sử dụng trong cuộc chiến tranh liên quan đến lĩnh vực Công nghệ Hàng không Vũ trụ nhiều như thế nào, đó là tên lửa, máy bay không người lái, vệ tinh giám sát và thông tin liên lạc,…. Bên cạnh đó, cũng cần kể đến các sản phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày của con người: máy bay dân dụng, taxi bay, vệ tinh và các ứng dụng ảnh viễn thám, tín hiệu từ các vệ tinh để tìm đường, dự báo thời tiết…
Tiềm năng phát triển lĩnh vực Công nghệ Hàng không Vũ trụ vẫn còn rất lớn. Ngoài các vệ tinh địa tĩnh được đặt cách trái đất khoảng 34.000km phục vụ thông tin liên lạc, dự báo thời tiết, giám sát trái đất, gần đây, các dự án vệ tinh tầm thấp (từ 1000-2000km) phục vụ viễn thông, internet, truyền hình đang được các tập đoàn như SpaceX, Amazon của Mỹ hướng đến. Nếu các dự án này thành công, nó sẽ làm thay đổi cơ bản ngành công nghệ truyền thông tin đang dùng hiện nay.
Như vậy, để vươn ra được không gian bên ngoài, chúng ta cần xây dựng được các thiết bị bay. Các thiết bị bay tích hợp những gì tinh túy nhất về khoa học công nghệ và chế tạo sản phẩm như vật liệu, cơ khí, điện-điện tử, điều khiển, công nghệ thông tin… Và đó cũng là những kiến thức, kỹ năng mà nhân lực làm việc trong ngành CNHKVT cần được trang bị.
Nhận thức được tầm quan trọng về nguồn nhân lực Công nghệ Hàng không Vũ trụ, ĐHQGHN và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel đã hợp tác cùng xây dựng Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ trực thuộc Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN để quản lý và đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ.
Ngày 31 tháng 8 năm 2007, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN đã ký quyết định số 828/QĐ-TCCB về việc Thành lập Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ. Lễ ra mắt được tổ chức ngày 28/12/2017 cũng tại chính hội trường này mà ở đây, vẫn còn rất nhiều thầy cô, nhiều đại biểu tham dự sự kiện năm 2017. Và hôm nay, chúng ta cùng gặp mặt ở đây để kỷ niệm sự kiện thành lập Viện CNHKVT và nhìn lại sự phát triển của Viện trong 5 năm qua.
Bây giờ chúng ta hãy nói về các kết quả đạt được của Viện trong 5 năm vừa qua, các kết quả này liên quan đến Tổ chức, Đào tạo, Khoa học công nghệ, Hợp tác phát triển và Cơ sở vật chất.
Về Tổ chức, Viện đã thành lập 03 bộ môn trực thuộc (Bộ môn Điện tử và Thông tin Hàng không, Bộ môn Cơ khí - Động lực học Hàng không, Bộ môn Khoa học dữ liệu không gian).
Về Đào tạo, công tác tuyển sinh của Viện được giữ ổn định, chỉ có năm đầu tiên chương trình đào tạo tuyển một nữa chỉ tiêu (30 sinh viên), các năm sau chương trình đã tuyển đủ 60 sinh viên mỗi khóa với điểm chuẩn tương đối cao. Năm 2022, chương trình tuyển 75 sinh viên khóa mới, có thêm 3 sinh viên của Học viện Quốc phòng Việt Nam gửi sang đào tạo, tổng cộng là 78 sinh viên. Quy mô đào tạo hiện nay của Viện khoảng 270 sinh viên. Sinh viên Khóa 1 đạt tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn 73%, các sinh viên tốt nghiệp phần lớn đều đã tìm được việc làm đúng chuyên môn hoặc đang học lên các chương trình sau đại học. Trong số 8 sinh viên đã tốt nghiệp chương trình, có 2 sinh viên hiện nay đang làm việc tại Tổng công ty công nghệ cao, Viettel.
Hoạt động KHCN đã bước đầu đi vào chiều sâu và tổ chức có hệ thống. Viện khuyến khích cán bộ đăng ký các đề tài nghiên cứu các cấp, tập trung sản phẩm là các bài báo chất lượng cao và các sản phẩm công nghệ có tiềm năng ứng dụng thực tế, có khả năng thương mại hóa. Kết quả, năm 2020, các cán bộ của Viện chỉ mới xuất bản 0,5 bài ISI/Scopus/cán bộ. Năm 2021, trung bình cán bộ của Viện xuất bản đạt 1,5 bài báo ISI/Scopus. Dự kiến năm 2022 các cán bộ của Viện xuất bản khoảng 20 bài ISI/Scopus (đạt mức 3 bài ISI-Scopus/cán bộ). Đây là một kết quả đáng ghi nhận vì Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ vẫn còn chưa mở các chương trình đào tạo sau đại học, các bài báo xuất bản đều do giảng viên và sinh viên đại học thực hiện. Song song với nó, bám sát chiến lược phát triển và giá trị cốt lõi của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN về đổi mới sáng tạo, tận dụng kinh phí nhỏ từ những đề tài các cấp, Viện đã tổ chức các nhóm nghiên cứu các sản phẩm nhỏ có khả năng thương mại hóa. Nhiều sản phẩm đang được cán bộ, sinh viên của Viện nghiên cứu và hoàn thiện: Máy phát điện gió cỡ nhỏ, Máy bay cánh quạt mang hàng hóa cỡ nhỏ, xe đạp nước, các mô hình máy bay cánh bằng hiện đại (bay được), v.v.
Các sản phẩm Nghiên cứu khoa học của Viện CNHKVT
Về hoạt động Hợp tác phát triển, ngoài Viện Hàng không Vũ trụ Viettel là đối tác truyền thống trong nước, Viện cũng có quan hệ hợp tác với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, các khoa đào tạo Hàng không Vũ trụ của các trường Đại học ở Hà Nội. Về hợp tác với nước ngoài, thỏa thuận hợp tác đào tạo theo hình thức 2+2 (hai năm đầu học ở Việt Nam, 2 năm cuối học ở Nga) cho sinh viên ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ giữa Trường ĐH Công nghệ và Học viện Hàng không Moscow (MAI) đã được ký kết sau thời gian dài thảo luận, sẽ áp dụng cho khóa tuyển sinh 2022. Giai đoạn đầu, Viện cũng dự kiến mở rộng chương trình 2+2 với các Trường ĐH khác đào tạo Hàng không Vũ trụ trên thế giới để mở rộng các cơ hội học tập cho sinh viên trong các môi trường tiên tiến. Ngoài ra, ĐHQGHN và tập đoàn Boeing cũng vừa gặp gỡ để thảo luận các nội dung hợp tác về lĩnh vực Hàng không Vũ trụ, Viện CNHKVT đã gửi đề xuất để hai bên xem xét hợp tác trong thời gian tới.
Trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy thực hành cho cán bộ, sinh viên Viện
Về cơ sở vật chất, Viện đã được ĐHQGHN đầu tư 05 phòng thực hành, thí nghiệm hiện đại đặt ở Hòa Lạc với đầy đủ trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy thực hành cho cán bộ, sinh viên ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ.
“Kết quả tốt chỉ đến khi bạn làm việc tận tâm và luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp”.
(A Schwarzenegger, diễn viên người Mỹ).
Cũng chưa thể nói các kết quả trong 5 năm qua là hoàn toàn tốt, nhưng đạt được một số kết quả khiêm tốn trên rõ ràng là thầy và trò Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ đã luôn làm việc một cách tận tâm và luôn suy nghĩ đến những điều tốt đẹp để cùng nhau vượt qua các khó khăn, vươn đến những kết quả tốt nhất trong học tập và giảng dạy.
Đạt được những thành tích trên, trước hết phải kể đến sự quan tâm của Ban giám đốc và các ban chức năng của ĐHQGHN, trực tiếp là sự chỉ đạo kịp thời của các thầy cô trong BGH cũng như các phòng chức năng, sự hỗ trợ của các Khoa, Viện trong Trường ĐH Công nghệ về giảng dạy các môn cơ bản, các thầy cô thỉnh giảng các học phần trong chương trình đào tạo. Đặc biệt, chúng tôi cũng xin cảm ơn sự hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel đã luôn đồng hành trong việc hỗ trợ học bỗng sinh viên, nhận sinh viên thực tập tốt nghiệp, tham gia vào quá trình đào tạo và các hội đồng đánh giá đồ án tốt nghiệp cho sinh viên.
Trong thời gian tới, Viện cần cố gắng hoàn thiện bộ máy tổ chức, tuyển dụng thêm các cán bộ giảng dạy có chuyên môn sâu. Ổn định công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng người học. Thúc đẩy sự phát triển Khoa học Công nghệ, ở đây các cán bộ của Viện cần chú ý cả nghiên cứu cơ bản, xuất bản nhiều hơn nữa các bài báo chất lượng cao đồng thời kết hợp hướng dẫn các nhóm sinh viên để tiến hành nghiên cứu sản phẩm ứng dụng. Khuyến khích cán bộ đăng ký các đề tài nghiên cứu lớn để để tạo các sản phẩm điểm nhấn, có thể thương mại hóa được, mang lại danh tiếng cho Trường ĐH Công nghệ, cho ĐHQGHN.
“Khi ai đó gieo những hạt mầm tốt đẹp, nhất định sẽ có ngày nó nảy nở thành vụ mùa bội thu, khiến cho dù chủ nhân có không còn trên cõi đời, thì hương hoa thơm, vị quả ngọt vẫn nhắc khôn nguôi về họ. Khi ta gieo một hạt mầm tốt đẹp, ta làm cho cuộc sống của mình tỏa hương”.
(Chỉ là những bông hoa cỏ may, Hà Nhân, Hoa học trò)
Chúng ta có thể thấy, ĐHQGHN đã và đang phát huy trách nhiệm xã hội (trách nhiệm quốc gia) về đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho đất nước, đang gieo một trong những hạt mầm là các sinh viên, kỹ sư ngành CNHKVT, để sau này họ sẽ trưởng thành và tỏa hương hoa thơm ngát phục vụ cho tương lai đất nước chúng ta.
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, chúc các thầy cô giáo, quý vị đại biểu mạnh khỏe, thành công. Chúc các bạn sinh viên thật nhiều năng lượng để hoàn thành tốt việc học tập của mình.
Xin trân trọng cảm ơn!
PGS.TS Trương Ninh Thuận
Phó viện trưởng, phụ trách Viện CNHKVT, Trường ĐH Công nghệ
Tin tức & Sự kiện
Video nổi bật